Sốt ảo đất nền, coi trừng cẩn thận
Cơn sốt ảo đất nền tại TP.HCM đang cuốn giới đầu tư vào canh bạc chạy đua gom đất. Lực căng bong bóng đất nền đang ở mức báo động và dự báo sẽ gây nhiều hệ lụy lên cả thị trường BĐS.
Đất nền bị “làm giá” như thế nào?
>>> CÓ thể bạn quan tâm: Căn hộ Navita với nhiều ưu đãi / Căn hộ Xuân Mai – Hà Đông

“Cơn điên” đất nền Củ Chi bùng phát từ đầu năm 2017 sau thông tin Chúa đảo Tuần Châu lập siêu dự án và thông tin tuyến xe buýt đường sông nối với trung tâm. Đến lượt Bình Chánh sục sôi vì thông tin lên quận. Sau lễ 30.4, đất lại “sôi” ở Cần Giờ. Xuất phát từ thông tin TPHCM công bố sẽ xây cầu bắc sang huyện Cần Giờ, và hàng loạt siêu dự án của Vingroup và các ông lớn khác. Giá đất tại đây lập tức tăng bất thường lên 6-7 triệu đồng/m2, dù trước đó chỉ 2-3 triệu đồng/m2, khu vực trung tâm biển Cần Thạnh còn lên tới 13 triệu đồng/m2.

Đất tăng giá chóng mặt vì có hiện tượng các nhà đầu tư “góp gạo thổi cơm chung”, gom đất sỉ gây huyên náo. Mỗi nhóm bung ra một lượng tiền lớn mua đất trên diện rộng để tạo ra cơn sốt lôi kéo những nhà đầu tư nhỏ lẻ khác vào cuộc “săn đất”.

H, một nhà đầu tư, cho biết chị và một nhóm đầu tư đã bỏ ra hơn chục tỷ đồng gom đất tại xã Bình Khánh, Cần Thạnh, bởi giá đất ở Cần Giờ tăng mạnh trong vòng 1 tháng qua. Một số nơi giá khởi điểm 2-3 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên 15-20 triệu đồng/m2. Theo chị H. với đà tăng này không ít nhà đầu tư trúng đậm tiền tỷ, nhưng giá sẽ còn tăng nữa.

Câu chuyện tương tự đã diễn ra ở Củ Chi, Bình Chánh, hàng loạt nhóm “cá mập” dồn tiền mua đất khuynh đảo thị trường đất nền, khiến cơn sốt lây lan trên diện rộng. Anh Nguyễn Quang Quý (quận 9) cho biết năm 2014 anh đầu tư 1 nền đất 70m2 trên đường Võ Văn Hát (phường Long Trường) với giá 6 triệu đồng/m2, nay nếu bán chốt lời giá trị đã tăng lên gấp 3 lần. Giá nhà đất tăng cực nóng còn được ghi nhận ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, Quốc lộ 22, dọc bờ sông Sài Gòn. Tính từ đầu năm tới nay có nơi tăng giá 50-70%.

“Đất Cần Giờ và Củ Chi sốt khủng khiếp, giá lên không thể tưởng tượng nổi” – Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ BĐS Eximrs, thảng thốt nói. Theo bà, đây chắc chắn là cơn sốt ảo đất nền vì việc tăng giá trị quá lớn ở thời điểm này là không logic. Có các một nhóm đầu cơ đang thổi giá lên. Thí dụ, 1 mảnh đất có 5 người vào hỏi mua cùng lúc. Chủ đất tưởng sốt thật, liên tục bơm giá lên. Nhân đà này những người chuyên lướt sóng cũng nhào nặn tạo thị trường để lướt tiếp. Không cẩn trọng người mua cuối cùng sẽ lãnh đủ.

Nhiều ẩn họa

“Có một thực tế không ít người đầu tư theo tâm lý, thấy người khác kiếm lời dễ quá cũng lao theo. Chúng ta đã chứng kiến thời nhà nhà, người người buôn đất, dẫn đến bong bóng BĐS”- ông Nguyễn Nam Hiền, TGĐ Hưng Thịnh Land nói. Thực tế, giá đất chỉ tăng đến mức nào đó. Do vậy, nếu các nhà đầu tư không bình tĩnh, chạy theo đám đông, rất có thể sẽ hình thành nên những khu đất chết và những người ôm đất muốn thoát thân cũng khó.

Còn theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, thị trường BĐS hiện rất nhạy cảm, chỉ cần có chút thông tin về một dự án giao thông, quy hoạch nào đó, dù chỉ là tin đồn, giá đất đã bắt đầu tăng, các nhà đầu cơ thứ cấp đổ về gom đất làm giá. Giá đất tại TPHCM đang có nguy cơ lặp lại kịch bản sốt nóng rồi vỡ trận như thời điểm những năm 2006-2008. Sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy cho nhà đầu tư lẫn cả thị trường BĐS.

Theo Luật sư Thái Văn Chung, rút kinh nghiệm từ những cơn sốt trước đây, người mua cần cẩn trọng xem xét, tránh hùa theo tâm lý đám đông. Bởi có những khu đất, dự án phân lô tuy dính quy hoạch hoặc chưa hoàn tất pháp lý nhưng vẫn được giao dịch vội vàng, trái quy định. Để hạn chế rủi ro, người có nhu cầu thực về nhà đất cần tìm đến những chủ đầu tư uy tín, năng lực tài chính tốt và có kinh nghiệm trên thị trường. Một khu đô thị tốt, sản phẩm tốt, đi kèm với nhiều tiện ích, hạ tầng dịch vụ được đầu tư bài bản cũng sẽ giúp người mua thu lợi cao trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding, để tránh hậu quả người dân cần nắm rõ những thông tin về quy hoạch và sử dụng đất đai, cơ quan quản lý nhà nước cần công khai các thông tin như thu hồi đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Thông tin cần niêm yết tại UBND các phường, xã. Nêu rõ các dự án quy hoạch hiện hữu gồm những dự án nào, địa điểm, tiến độ thực hiện, diện tích quy hoạch… để người dân tránh “sa bẫy” cơn sốt ảo đất nền.