Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp khiến cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn. Pháp luật Việt Nam chưa có một khái niệm cụ thể quy định thế nào là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà mới chỉ đưa ra các căn cứ để xác định một hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay liệt kê các hành vi xâm phạm cụ thể. Theo đó một hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ bốn căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:
1.Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Đối tượng bị xem xét là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không (Khoản 7 Điều 3 Nghị định 105/2006/ NĐ-CP).

Xem thêm: cách đăng ký sở hữu trí tuệ

Đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể là một nhãn hiệu nổi tiếng, bí mật kinh doanh hay tên thương mại..v.v..Căn cứ để xác định xem đối tượng đó có phải là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay không được quy định tại Điều 6 Nghị định 105/2006/NĐ-CP :
“ 1. Việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo quy định tại Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Đối với các loại quyền sở hữu trí tuệ đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ và các tài liệu kèm theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ đó.
3. Đối với quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì các quyền này được xác định trên cơ sở bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan (nếu có).
Trong trường hợp bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan không còn tồn tại, quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng được xem là có thực trên cơ sở các thông tin về tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng và về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan tương ứng, được thể hiện thông thường trên các bản sao được công bố hợp pháp.
4. Đối với tên thương mại, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó.
5. Đối với bí mật kinh doanh, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu thể hiện nội dung, bản chất của bí mật kinh doanh và thuyết minh, mô tả về biện pháp bảo mật tương ứng.
6. Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thể hiện sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.”
Chẳng hạn như đối với tên thương mại thì căn cứ xác định là quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó, hay đối tượng xem xét là kiểu dáng công nghiệp thì đối tượng này vẫn phải trong thời gian được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Ví dụ: trong vụ việc Cơ sở Ngân Anh đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đồi với nhãn hiệu “Bảo Xuân” của Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân thì: Đối tượng bị xem xét là “Bảo Xinh “. Bảo Xinh và hình được trình bày trên vỏ hộp và lọ đựng sản phẩm của cơ sở Ngân Anh trình bày cách điệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Bảo Xuân, hình đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty Ích Nhân. Trong khi đó, đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu “Bảo Xuân” và nhãn hiệu “Bảo Xuân và hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 172843 của Công ty Ích Nhân.
2.Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét
Yếu tố xâm phạm được hiểu là yếu tố xuất hiện khi có hành vi xâm phạm (Khoản 5 – Điều 3 Nghị định 105). Các yếu tố xâm phạm được quy định cụ thể từ Điều 7 đến Điều 14 của Nghị định 105.
3.Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép
Click image for larger version. 

Name:	cham-dut-ld2.jpg 
Views:	22 
Size:	19.4 KB 
ID:	1506
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ mặc dù chủ thể không phải là chủ sở hữu nhưng vẫn được phép sử dụng. Ví dụ như: Sử dụng giống cây trồng nhằm mục đích thử nghiệm (Điểm b Khoản 1 Điều 190 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009) không bị coi là xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được bảo hộ; hoặc tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân đối với các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)…
4.Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam
Nếu hành vi xâm phạm không xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh. Nếu nó xảy ra tại một nước khác thì không được coi là hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, hành vi bị xem xét vẫn bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Ví dụ: Tin tặc Trung Quốc ăn cắp phần mềm của một người Việt Nam thì vẫn bị coi là xảy ra tại Việt Nam.

Như vậy, một hành vi được coi là hành vi vi xâm phạm quyền sở hữu tri tuệ phải đáp ứng được cả 4 căn cứ nếu trên. Nếu thiếu một trong 4 căn cứ trên thì đây không được xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.