Đạo diễn Hoàng Nhật Nam- Dồn sức cho ‘Tinh hoa Bắc Bộ’

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ những trăn trở và nỗ lực của bản thân để có thể truyền tải những giá trị văn hóa tinh túy được chắt lọc của đất Bắc trong vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ."

-Cơ duyên nào đã đưa anh đến với show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, mà hình như đó không phải là thế mạnh của anh?

Đã nói đến chữ “Duyên” thì có đi xa ngàn dặm vẫn sẽ gặp. Tôi có cơ hội gặp gỡ Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu - ông Đào Hồng Tuyển khi Tập đoàn đăng cai tổ chức Vòng chung khảo phía Bắc của Hoa Hậu Việt Nam 2016 và tôi làm tổng đạo diễn. Tiếp theo nhận tin vui khi “chúa đảo Tuần Châu” tin tưởng mời tôi tham gia vào các dự án tiếp theo của ông.

Vở diễn này là tâm tư thai nghén từ 6 năm nay của ông Đào Hồng Tuyển và lần đầu có mặt tại Việt Nam. Nên chưa có đạo diễn Việt nào tự tin bảo đó là “thế mạnh” và “kinh nghiệm” của mình cả. Dù biết sẽ còn nhiều điều cần phải học hỏi để hoàn thiện nhưng tôi không ngại va vấp. Đây là một cơ hội quý mà tôi sẽ trân trọng và làm hết sức mình cho một “mở màn” suôn sẻ cho những vở diễn thực cảnh có giá trị tiếp theo tại Việt Nam.

-Anh có thể nói rõ hơn về “sân khấu thực cảnh”, một khái niệm có lẽ là còn khá mới mẻ với công chúng Việt?

Đây chương trình nghệ thuật được biểu diễn trên nền cảnh quan thực tế, thường là sân khấu ngoài trời bao gồm các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên như sông hồ, biển cả, rừng núi…hài hòa với đời sống sinh hoạt của con người bản địa. Do đó, sân khấu thường có diện tích khá rộng lớn.

Người đạo diễn chương trình phải thật sự bản lĩnh, có tầm bao quát và có cái nhìn sắp xếp tổng thể, nếu không “thiên-địa-nhân” sẽ không tương trợ lẫn nhau mà bất kể yếu tố nào lấn át những yếu tố còn lại đều là trở ngại không nhỏ. Loại hình nghệ thuật này phổ biến trên thế giới từ lâu và được khán giả dành cho nhiều thiện cảm đặc biệt.





…vì show thực cảnh giải trí và nghệ thuật


-Trước anh, Tập đoàn Tuần Châu Hà Nội cũng từng đầu tư cho một vở diễn thực cảnh, nhưng là do một đạo diễn khác thực hiện. Vậy với “Tinh hoa Bắc Bộ”, anh có cảm thấy áp lực?

Ban đầu tôi cảm thấy rất e ngại về mặt nhạy cảm trong nghề, trong giới, khi nhận được lời mời tôi cũng rất đắn đo. Sau khi được biết vở diễn đầu tiên thử nghiệm và chưa đi vào hoạt động thì nhà đầu tư quyết định dừng hẳn, thì tôi mới mạnh dạn thử sức ở một kịch bản mới do chính tôi viết. Tôi không cảm thấy áp lực bởi những việc trước đây, vì không liên quan đến tôi, tôi chỉ cảm thấy áp lực bởi suy nghĩ phải làm sao để có một show diễn hay, hấp dẫn và thành công sắp tới – điều này làm tôi trăn trở nhất!

-Cùng một chất liệu là nghệ thuật dân gian và các giá trị văn hóa của Bắc Bộ, anh có lo ngại mình sẽ bị “đụng chạm” ý tưởng với vở của đạo diễn khác?

“Tinh hoa Bắc Bộ” là nơi phô diễn những tinh hoa chắt lọc của đất Bắc. Từ trong các lĩnh vực nghệ thuật, đi từ Thi - Ca - Nhạc - Họa, từ các nghệ thuật Điêu khắc, Kiến trúc, các hoạt động vui chơi, giải trí đến cả các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tinh thần trong lao động, sản xuất, cả trong cách ăn mặc. Và tất nhiên không thể thiếu Tri thức - Học vấn.

Sự kết hợp của chất liệu văn hóa sẵn có và công nghệ trình chiếu hiện đại, hệ thống âm thanh, ánh sáng và sự dàn dựng tinh tế khéo léo, tinh tế, sẽ mang đến một show thực cảnh đáp ứng cả nhu cầu giải trí lẫn giá trị nghệ thuật.

Mỗi một đạo diễn đều sẽ có cái gu và tư duy khác nhau, ngay cả khi khai thác cùng một đề tài thì cách tiếp cận cũng sẽ khác. Ở đây ngay cả tên gọi của vở diễn cũng đã định hình hướng đi khác, hoàn toàn khác thì việc “đụng” ý tưởng là rất khó. Chúng ta cần phân biệt giữa việc “đụng” ý tưởng và “đụng” khi cùng sử dụng chất liệu nghệ thuật, ở đây là chất liệu dân gian. Ai cũng có quyền sử dụng các chất liệu muôn màu muôn sắc này!

- Hoạt động trong giới giải trí, anh nghĩ gì về yếu tố chiêu trò? Chắc anh cũng từng sử dụng chiêu trò trong những chương trình do mình đạo diễn?

“Chiêu trò” trong giới giải trí thì muôn hình vạn trạng, cũng là một yếu tố để làm cho giới giải trí sôi động ồn ào hơn - tính chất của lãnh vực này là như vậy, tôi xin phép không bàn sâu đến bởi tính tôi cũng không thích sự ồn ào. “Chiêu trò” với khái niệm về thủ thuật sân khấu, dàn dựng, liên quan đến công tác đạo diễn thì tôi nghĩ là cần thiết để mang đến tính hấp dẫn.

Tất nhiên tôi đã từng áp dụng nhiều thứ hay ho cho các chương trình mình dàn dựng. Có khi là thành công, có khi là cần phải rút kinh nghiệm. Điều đó là rõ ràng, hãy cẩn thận với các “chiêu trò”.



Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam - chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”