Phân loại tài sản cố định là việc phân chia toàn bộ tài sản cố định của doanh nghiệp theo những tiêu thức nhất định nhằm phục vụ yêu cầu quản lý doanh nghiệp. Thông thường có những cách phân loại chủ yếu sau đây:

Tham khảo thêm các bài viết khác của Luận Văn Việt:
+ khái niệm kinh doanh
+ khái niệm quyết định quản trị
+ thuyết minh về chiếc áo dài
b.1. Phân loại tài sản cố định theo hình thái biểu hiện kết hợp với tính chất đầu tư, toàn bộ tài sản cố định của doanh nghiệp được chia làm 3 loại:
– Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất (từng đơn vị tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản liên kết với nhau để thực hiện một hay một số chức năng nhất định) thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị…
– Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
Sự phân biệt này được thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
– Tài sản cố định thuê tài chính: là những tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng thuê tài chính.
Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính, ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng. Mọi hợp đồng thuê tài sản cố định nếu không thoả mãn các quy định trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.
Sự khác nhau giữa tài sản cố định thuê tài chính và thuê hoạt động thể hiện ở ảnh hưởng của mỗi loại tài sản này đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với thuê tài chính, tài sản được coi như là thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và sẽ đươc luân chuyển giá trị dần dần theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, còn đối với chi phí thuê hoạt động sẽ luân chuyển một lần vào một chu kỳ sản xuất kinh doanh.
b.2. Phân loại tài sản cố định theo mục đích sử dụng..
Theo tiêu thức này toàn bộ tài sản cố định của doanh nghiệp được chia thành 3 loại:
* Tài sản cố định dùng cho mục đích kinh doanh
* Tài sản cố định dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng.
* Các tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà Nước
Cách phân loại này giúp cho doanh nghiệp thấy được cơ cấu tài sản cố định của mình theo mục đích sử dụng của nó. Từ đó có biện pháp quản lý tài sản cố định theo mục đích sử dụng sao cho có hiệu quả nhất.
b.3. Phân loại tài sản cố định theo công dụng kinh tế.
Căn cứ vào công dụng kinh tế của tài sản cố định, toàn bộ tài sản cố định của doanh nghiệp có thể chia thành các loại sau:
– Nhà cửa, vật kiến trúc
– Máy móc, thiết bị
– Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn;
– Thiết bị, dụng cụ quản lý;
– Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm;
– Các loại tài sản cố định khác.
Cách phân loại này cho thấy công dụng cụ thể của từng loại tài sản cố định trong doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý sử dụng tài sản cố định và tính toán khấu hao tài sản cố định chính xác.
b4. Phân loại tài sản cố định theo tình hình sử dụng.
Căn cứ vào tình hình sử dụng tài sản cố định người ta chia tài sản cố định của doanh nghiệp thành các loại:
– Tài sản cố định đang sử dụng;
– Tài sản cố định chưa cần dùng;
– Tài sản cố định không cần dùng chờ thanh lý.
Cách phân loại này cho thấy mức độ sử dụng có hiệu quả các tài sản cố định của doanh nghiệp như thế nào, từ đó có biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng chúng.
Mỗi cách phân loại trên đây cho phép đánh giá, xem xét kết cấu tài sản cố định của doanh nghiệp theo các tiêu thức khác nhau. Kết cấu tài sản cố định là tỷ trọng giữa nguyên giá của một loại tài sản cố định nào đó so với tổng nguyên giá các loại tài sản cố định của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.