Sự việc thầy giáo dạy thể dục tại Bình Dương bị đâm chết đêm 7-10, chỉ vì nhắc nhở nhóm thanh niên hàng xóm hát karaoke ồn ào, đã dấy lên hồi chuông báo động: Cần mạnh tay trong sử dụng công cụ pháp luật để chấn chỉnh kiểu tra tấn bằng karaoke.


Đây không phải là lần đầu tiên một người phải rước họa vào thân vì nhắc nhở hàng xóm ồn ào do hát karaoke.

Mất mạng vì nhắc nhở

Những người hàng xóm gần kiôt của thầy giáo Nguyễn Văn Phước (28 tuổi, quê Quảng Bình, giáo viên Trường tiểu học Lái Thiêu, sống tại thị xã Thuận An, Bình Dương) vẫn chưa khỏi bàng hoàng vì sự hung hãn của nhóm thanh niên đã đâm chết thầy.

Trước đó, vào tối 7-10, mặc dù đã tới 21h nhưng nhóm thanh niên ở trọ cạnh kiôt nơi thầy Phước ở vẫn hát hò ồn ào. Thầy Phước sang nhắc nhở và nhóm thanh niên này xô xát, cãi vã với thầy.

Mặc dù thầy Phước đã bỏ về nhưng hai người trong số nhóm thanh niên vẫn hung hãn đuổi theo, xông vào kiôt dùng dao đâm nhiều nhát khiến thầy Phước gục trên vũng máu và chết trên đường đến bệnh viện.

Công an thị xã Thuận An đã tạm giữ hai nghi phạm là Trương Văn Sĩ và La Văn Liêm (cùng 30 tuổi, quê Bạc Liêu).

Theo lời hàng xóm, trước khi bị thầy Phước nhắc nhở thì nhóm này đã ăn nhậu và ca hát từ buổi trưa tới tối vẫn chưa chịu dừng.

Đây không phải lần đầu tiên những người gần khu trọ phải chịu cảnh "tra tấn" những dịp cuối tuần từ khi nhóm thanh niên này chuyển về ở trọ. Tag: bang hieu karaoke

Một vụ khác, tại TP.HCM, hậu quả cũng nghiêm trọng nhưng chưa đến mức chết người. Lúc 20h ngày 1-10, vợ chồng ông K. (45 tuổi) tổ chức ăn nhậu và hát karaoke tại một phòng trọ trên đường Bờ Bao Tân Thắng (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú).

Đến 23h, do hát karaoke ồn ào nên vợ chồng ông K. xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau với vợ chồng anh V. (35 tuổi, ở phòng trọ kế bên). Trong lúc cãi nhau và ẩu đả, vợ anh V. đã đâm ông K., phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Sinh chuyện từ ồn ào do hát karaoke ở nhà riêng, ở khu dân cư không phải chuyện hiếm, nhưng thường dù rất bực bội những người hàng xóm vẫn ráng chịu đựng.

Ông H., cư ngụ ở một con hẻm đông người dân lao động trên đường Văn Thân (P.8, Q.6, TP.HCM), cho biết lâu nay ông phải chịu tra tấn bởi âm thanh ồn ào từ nhiều gia đình hát karaoke.

Trong con hẻm, nhiều nhà sắm dàn karaoke, dàn loa kẹo kéo vô tư hát hò inh ỏi, "ban ngày hát chưa đã, có khi hát đến 10-11h đêm" - ông H. bức xúc.

Không dám tự nhắc nhở, vợ chồng bà K., sinh sống tại một khu dân cư trên đường An Dương Vương (P.16, Q.8), mỗi khi bị karaoke tra tấn thì phản ảnh đến phường, tổ dân phố nhưng vẫn không ăn thua, đã vậy tình hình còn nghiêm trọng hơn theo hướng thách thức: "Tao hát thì làm gì tao? Có ngon kêu công an xuống!".

Bà K. chia sẻ: "Tôi bức xúc đến mức phải lớn tiếng với mấy anh công an phường, mong mấy anh có cách giải quyết, nhưng họ nói rất khó xử lý". Tag: bang hieu bar

Hát trong xóm ồn ào còn có chỗ phản ảnh. Còn màn hát... liên tỉnh thì chỉ biết kêu trời. Chị N.T.H. (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) chỉ tay qua một nhánh sông ở xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nói đó là một "tụ điểm vui vẻ" tuần nào vào hai ngày cuối tuần dân nhậu bên đó cũng nhậu nhẹt ca hát inh ỏi.

"Cứ tầm 7-8h sáng là họ bắt đầu hát hò, suốt mấy tiếng đồng hồ không cho ai nghỉ ngơi. Tuy ở cách nhau cả con sông nhưng âm thanh lớn cứ dội qua khiến tôi không thể nghỉ ngơi được. Tội nhất là những người già và em bé. Thử nghĩ xem, giữa trưa nắng mà cứ lải nhải "Đắp mộ cuộc tình" (tên một bài hát) thì ai chịu cho thấu!" - chị H. bức xúc.


Nhắc nhở qua loa vì... bất lực!

Đáng nói là ở nhiều nơi, khi được phản ảnh bị làm ồn, cơ quan chức năng cứ lơ là bỏ qua hoặc nhắc nhở qua loa chiếu lệ.

Ở nhiều tỉnh thành, việc kiểm soát tiếng ồn vượt mức cho phép, gây phiền toái được các cơ quan quản lý thực hiện phần lớn bằng... văn bản.

Ông Lê Hồng Đông, chánh thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP Cần Thơ, cho biết về tình trạng ồn ào này, sở đã... có công văn gửi phòng văn hóa - thông tin các quận huyện; nhắc nhở UBND xã, phường kiểm tra, xử phạt hình thức karaoke di động (loa kẹo kéo) gây ồn. Tag: âm thanh bar

Tại Hậu Giang, các huyện, xã cũng tuyên truyền, nhắc nhở là chính mỗi khi có phản ảnh về sự cố ca hát ồn ào.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp - giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang - cho biết từ năm 2016 tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc quản lý các dịch vụ có tiếng ồn hoặc khuếch đại âm thanh, tuy nhiên cũng nói rằng khó khăn cơ bản nhất là về thẩm quyền sử dụng máy đo độ ồn làm cơ sở để xử phạt các trường hợp vi phạm.

Theo quy định, chỉ có cán bộ chuyên trách của trung tâm quan trắc thuộc Sở TN-MT mới đủ thẩm quyền thực hiện việc sử dụng máy đo độ ồn để xử lý vi phạm.

Nếu xử phạt mà không có căn cứ để lập biên bản, không có cơ sở pháp lý về mức đo độ ồn thì không đúng theo quy định.

Ngay nơi xảy ra vụ đâm chết thầy giáo Phước, đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương cũng cho rằng hiện nay Nhà nước còn thiếu quy định, chế tài đối với loại hình "karaoke kẹo kéo", tự phát.

Do đó trước mắt sở sẽ... tham mưu trình UBND tỉnh để ra văn bản yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tăng cường vận động, nhắc nhở người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh, vui chơi, hát karaoke tại nhà cần có thời gian nhất định, không ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng xóm.

Về lâu dài, sẽ kiến nghị có quy định để quản lý các loại hình karaoke tự phát, sử dụng loa di động để có biện pháp chế tài.

Đến nay, Tiền Giang là một trong số những địa phương hiếm hoi trị được nạn karaoke gây ồn sau hai năm "chiến đấu" ròng rã, kể từ năm 2016.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay toàn tỉnh Tiền Giang có 2.379 dàn âm thanh karaoke di động. Đội kiểm tra liên ngành của huyện, tỉnh đã kiểm tra 174 cuộc, xử lý cảnh cáo 322 trường hợp, phạt tiền 36 trường hợp. Tuy vẫn trị chưa dứt nạn tiếng ồn do karaoke nhưng tình hình có giảm, người dân bớt bức xúc.

Ông Lê Văn Dũng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang, cho rằng cốt lõi của việc chấn chỉnh hoạt động gây phiền hà này chính là công tác vận động, tuyên truyền, cùng với đó là sự mạnh tay xử phạt: 3 lần nhắc nhở sẽ bị phạt.

Theo ông Dũng, để làm được điều này, Sở VH-TT&DL Tiền Giang làm nòng cốt đã phối hợp với các đơn vị như Công an, Sở TN-MT, các đơn vị báo đài trong tỉnh thành lập đội liên ngành đi kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các chủ máy vi phạm. Mỗi huyện, xã đều có đội liên ngành này.

Tỉnh cũng đã trang bị cho mỗi huyện hai máy đo tiếng ồn. Riêng địa bàn TP Mỹ Tho mỗi phường, xã đều được trang bị một máy.

Quá trình thực thi ông Dũng thừa nhận rằng việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt những người vi phạm là hết sức khó khăn, bởi 90% các trường hợp vi phạm là những người đang có bia, rượu thường chống đối, thách thức, thậm chí đánh trả lực lượng chức năng. Do đó khi tiến hành kiểm tra, luôn có lực lượng công an phối hợp. Tại Tiền Giang từng xảy ra tình trạng người bị kiểm tra chống đối, xô xát với lực lượng chức năng, đến mức đối diện cảnh tù tội.

Đơn cử là vụ việc xảy ra vào ngày 7-3-2018 tại nhà ông Huỳnh Văn Ca (77 tuổi, ngụ xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây). Thời điểm này nhà ông Ca đang tổ chức tiệc sinh nhật cháu nội của mình và hát karaoke di động. Khoảng 12h25 cùng ngày, nhận được phản ảnh, tổ kiểm tra liên ngành VH-TT&DL, môi trường và an ninh trật tự xã đến để đo, kiểm tra xử lý tiếng ồn theo quy định. Trong lúc tổ công tác đang làm nhiệm vụ thì bốn người con của ông Ca có lời lẽ xúc phạm và dùng gạch đuổi đánh làm bị thương hai cán bộ xã, trong đó có một công an viên.

Khi lực lượng công an huyện xuống hiện trường, các con của ông Ca tiếp tục thách thức, mắng chửi, chống đối buộc công an phải khống chế. Bốn anh em ruột trong gia đình này gồm: Huỳnh Ngô Nhật Trường (33 tuổi), Huỳnh Ngô Thanh Tuyến (41 tuổi), Huỳnh Thanh Sơn (47 tuổi) và Huỳnh Văn Lượm (53 tuổi) bị TAND huyện Gò Công Tây tuyên phạt mỗi người 6 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.

Nguồn: tuoitre.vn/can-manh-tay-voi-nan-karaoke-khung-bo-20181009085549361.htm