Việc tận dụng lòng hồ thủy điện Sê San để nuôi cá lồng đang mở ra sinh kế mới, hứa hẹn đổi đời cho nhiều hộ dân người đồng bào Jrai ở xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, Gia Lai) vốn chỉ quen “phát đốt, chọc trỉa” kém hiệu quả.

Dạy bà con cách nuôi con cá

Năm 2004 - 2006, hơn 150 hộ dân người đồng bào dân tộc Jrai ở lòng hồ Sê San (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) rời làng lên vùng đất cao nhường chỗ cho thủy điện. Khu tái định cư có đầy đủ điện, đường, trường, trạm… và được Nhà nước cấp đất, dựng nhà nên bà con rất phấn khởi.

Tuy nhiên, đời sống của nhiều hộ dân còn gặp nhiều khó khăn do chưa thích nghi với điều kiện sản xuất mới.


Ông Phạm Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết: “Do thói quen canh tác cũ, còn nhiều hủ tục lạc hậu nên đời sống bà con rất khó khăn, xã có 525 hộ thì có đến 46,5% hộ nghèo. Kinh tế chủ lực của địa phương chủ yếu là các cây trồng ngắn ngày như mì, lúa rẫy và cây bời lời. Diện tích lúa nước 2 - 3 vụ và cà phê chỉ được hơn chục ha nên thu nhập chung của người dân còn thấp. Tài nguyên mà địa phương giàu có nhất và lâu nay chưa tận dụng được chính là tài nguyên mặt nước bao la ở 2 lòng hồ thủy điện Sê San và Sê San 3A”.

Theo ông Xuân, để tận dụng thế mạnh của địa phương có mặt nước bao la, đồng thời dạy cho dân biết cách nuôi con cá trên sông nên mô hình nuôi cá lồng bè đã ra đời. Tag: bệnh tôm chết sớm

Dự án do Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai và Phòng NNPTNT huyện làm chủ đầu tư, có vốn hơn 500 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 100% từ lồng bè, thức ăn… người dân chỉ góp công chăm sóc. Thí điểm mô hình có 30 hộ dân người Jrai ở 2 làng Dôch 1 và Díp tham gia nuôi cá trên 2 lòng hồ thủy điện Sê San, Sê San 3A. Ba loại cá thích hợp nuôi thí điểm là rô phi, diêu hồng và cá lăng.

“Mô hình nuôi cá lồng này hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi lớn về tư duy nông nghiệp và cách làm của người dân, giúp dân học được kỹ thuật, cách làm theo theo quy trình nghiêm ngặt và tính tự giác cao trong công việc. Một khi người dân làm thuận tay thì có thể tự mở ra mô hình làm riêng, nuôi cá ngay trên lòng hồ. Sau hơn 1 năm triển khai, bà con đã bắt đầu thu hoạch một vài lồng cá đầu tiên, bán được 30 - 40 triệu đồng, ai cũng vui mừng” - ông Xuân nói.

“Nuôi con cá dễ hơn nuôi gà”

Ông Xuân cho biết, ban đầu vận động người dân tham gia mô hình rất khó, người dân cứ lo sợ “con cá ở dưới sông sao mà nuôi được, nuôi chung thì phân chia công việc và lợi ích ra sao?”. Giờ thấy việc nuôi cá hiệu quả cao gấp mấy lần trồng cây lúa trên rẫy nên ai cũng vui. Tag: tôm bệnh phân trắng

Nói về mô hình nuôi cá dưới sông, anh Rơ Châm Unh (làng Dôch 1) chia sẻ: “Tham gia mô hình mình cũng lo lắm. Nhưng sau thời gian đi huyện học, tập huấn về thì thấy nuôi cá không khó, thả vào lồng bè rồi còn dễ nuôi hơn gà. Vừa rồi thu hoạch 7 tạ cá, giá thấp nhất cũng được 40.000 - 50.000 đồng/kg nên ai cũng mừng”.

Theo anh Unh, từ lúc chuyển từ lòng hồ lên đồi cao, cuộc sống gia đình còn rất nhiều khó khăn. Anh Unh bắt đầu mày mò học tập người Kinh trồng cây lúa nước, trồng 600 cây cà phê để tăng thu nhập nhưng chưa khá được. Thấy mô hình nuôi cá lồng anh không ngại đăng ký để học tập thêm.

Là một trong 30 hộ may mắn được chọn tham gia mô hình, anh Rơ Châm Phyui (làng Dôch 1) phấn khởi: “Làm ở đây mình chỉ góp công thôi, mỗi tuần 3 hộ thay phiên nhau ngủ lại để tiện chăm sóc cho con cá. Mình mong muốn sau này mình cũng có lồng cá riêng và được nhà nước hỗ trợ giống để nuôi”.

Chia sẻ về tương lai của mô hình, ông Phạm Thanh Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng nói: “Bước đầu cho thấy mô hình đã có hiệu quả và đi đúng hướng. Sau giai đoạn đầu tiên, cá bán ra sẽ chia đều tiền công cho các hộ tham gia, đồng thời giữ lại một phần kinh phí để tiếp tục đầu tư mua thức ăn, nguồn giống. Địa phương rất mong muốn nhiều người dân tham gia mô hình nuôi cá lồng và khuyến khích bà con tự làm để tăng thu nhập. Hiện bà con lo lắng nhất là con đường từ làng đến lồng cá đi lại rất hiểm trở, đầu ra cho cá chưa được ổn định”. Tag: khí độc trong ao

Nguồn: danviet.vn/tin-nong-nghiep/bo-phat-dot-choc-tria-nguoi-jrai-nuoi-ca-long-thu-nhap-nhu-mo-964322.html