Mang thai là niềm hạnh phúc thiêng liêng của mọi phụ nữ. Mẹ khỏe con khỏe là niềm mong ước của mỗi gia đình. Tuy nhiên, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có hàng nghìn trẻ em sinh ra mang trên mình nhiều khiếm khuyết từ đơn giản tới phức tạp. Bởi vậy, việc thực hiện các xét nghiệm cần làm khi mang thai là điều vô cùng cần thiết giúp kiểm tra và phát hiện sớm những bất thường có thể xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé trong thời kỳ mang thai.
1. Xét nghiệm máu: Sau chậm kinh
Khi có dấu hiệu chậm kinh, xét nghiệm máu để đo nồng độ beta-hCG (Human chorionic gonadotropin) là cách tốt nhất để biết chính xác nhất có thai hay không vì hormone này chỉ được tiết ra trong cơ thể người phụ nữ mang thai.
2. Kiểm tra CVS: Tuần thứ 10
CVS (phương pháp lấy mẫu lông nhung màng đệm) có mục đích phát hiện sớm các bất thường của thai nhi, được chỉ định cho những trường hợp có nguy cơ thai dị tật cao ( ví dụ người mẹ nhiều tuổi, từng sinh con không bình thường hay người mẹ có tiền sử rối loạn gene).
3. Đo độ mờ da gáy: Tuần 11 – 13
Đo độ mờ da gáy cho kết quả chính xác nhất trong tuần 11-14 của thai kỳ. Bằng cách này, bác sĩ có thể chỉ ra những nguy cơ bất thường ở thai phụ.
Nếu độ mờ da gáy < 3mm thì được xếp vào nhóm nguy cơ thấp (ít có nguy cơ bị hội chứng Down). Độ mờ da gáy 3,5 – 4,4 mm tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể là 21,1%. Độ mờ da gáy ≥ 6,5 mm, bất thường nhiễm sắc thể có thể lên tới 64,5%.
4. Doulble test: Từ 11 tuần 1 ngày đến 13 tuần 6 ngày
Double test là xét nghiệm đánh giá một số nguy cơ mắc các hội chứng Down, Edward hoặc Patau ở quý I của thai kỳ. Double test bằng cách lấy máu mẹ, phân tích các chỉ số xét nghiệm (β-hCG tự do và PAPP-A) kết hợp với chỉ số mờ da gáy khi siêu âm để tính nguy cơ mắc bệnh của thai.
Nếu Double test có kết quả dương tính, thai phụ cần phải tiến hành chẩn đoán xác định bằng sinh thiết nhung mao màng đệm nhau thai.

5. Triple test: Tuần thứ 15 – 20
Triple test là xét nghiệm nhằm phát hiện thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh hay không (như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh). Bác sỹ sẽ xét nghiệm máu của mẹ (với 3 chỉ số: hCG, AFP và estriol) để tìm hiểu nguy cơ rối loạn bẩm sinh ở thai nhi.
6. Chọc dò nước ối: Tuần 16 – 20
Đây là phương pháp sử dụng để chẩn đoán giới tính thai nhi, tầm soát Down và một số khuyết tật ống thần kinh…
Những phụ nữ mang thai nên được tiến hành chọc dò ối:
- Khi xét nghiệm Double test và Triple test rõ nguy cơ cao thì sẽ làm chọc ối
- Thai phụ trên 35 tuổi
- Tiền sử có thai hoặc sinh con khuyết tật
- Có người trong gia đình bị dị tật bẩm sinh.
7. Kiểm tra đường huyết: Tuần thứ 25 – 28
Trong quá trình mang thai, rất nguy hiểm nếu như thai phụ bị tiểu đường thai kỳ. Mẹ cần làm xét nghiệm tiểu đường theo đúng lịch hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Việc này vô cùng quan trọng vì khi người mẹ bị tiểu đường thai kỳ, thai nhi sinh ra có thể bị sinh non, quá cân, dị tật bẩm sinh và các biến chứng khó có thể kiểm soát được trong quá trình sinh nở.
Thử nghiệm được tiến hành vào buổi sáng sau khi nhịn đói sau ăn từ 10 – 14 giờ. Lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó cho thai phụ uống 75g glucose trong 5 phút. Định lượng glucose huyết tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống nước đường. Trong thời gian làm nghiệm pháp bệnh nhân có thể ngồi nhưng không được hút thuốc lá, uống cà phê.
8. Siêu âm 4D
Trong tuần 22-24 của thai kỳ, thai phụ được chỉ định làm siêu âm 4D. Lần siêu âm này sẽ giúp các bác sĩ phát hiện bất thường về hình thái của thai nhi như là sứt môi, dị dạng ở cơ quan (đặc biệt là tim và hệ xương), và sau đó có những can thiệp cần thiết kịp thời.
Trên đây là một số xét nghiệm cần làm khi mang thai các mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý và thực hiện đúng thời gian, theo sự chỉ định của bác sĩ để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Để biết thêm chi tiết về dịch vụ Thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, mẹ bầu vui lòng gọi tới Tổng đài 1900 599 858 hoặc Hotline 091 585 0770